1. Chế độ ăn uống hợp lý
Ăn ít đường và Carbohydrate
Chế độ ăn nhiều đường và Carbohydrate có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh và đẩy nhanh tiến triển bệnh ở người đã có các triệu chứng tiền tiểu đường.
Nên thay thế các loại thực phẩm này bằng các sản phẩm ít ảnh hưởng tới đường huyết, giảm nguy cơ mắc bệnh. Khi thực hiện chế độ ăn ít đường và giảm lượng Carbohydrate tiêu thụ, lượng đường trong máu sẽ không tăng nhiều sau khi ăn. Nhờ vậy, cơ thể sẽ không phải làm việc quá vất vả để duy trì đường huyết ở mức ổn định và lành mạnh.
Chia nhỏ phần ăn
Ăn quá nhiều thức ăn cùng lúc làm cho lượng đường trong máu và insulin tăng cao. Nên chia nhỏ phần ăn và ăn nhiều lần trong ngày để ổn định lượng đường huyết.
Chia nhỏ phần ăn làm giảm sự tăng đường huyết đột ngột
Nghiên cứu cho thấy, những người mắc chứng tiền tiểu đường nhưng thay đổi khẩu phần ăn và có chế độ dinh dưỡng lành mạnh có nguy cơ mắc bệnh thấp hơn tới 46% so với những người không chịu thay đổi.
Ăn nhiều chất xơ
Chất xơ rất tốt cho đường ruột và giúp kiểm soát cân nặng hiệu quả. Nghiên cứu ở người béo phì, người cao tuổi và tiền tiểu đường đã chứng minh, ăn nhiều chất xơ giúp kiểm soát đường huyết và Insulin ở mức thấp.
Chất xơ không thể tiêu hóa, khi ăn chất xơ, cơ thể mất nhiều thời gian để tiêu hóa thức ăn, từ đó làm chậm quá trình tăng Glucose trong máu.
Một nghiên cứu đã được thực hiện với bệnh nhân bị tiểu đường khi tiêu thụ 50g chất xơ mỗi ngày thì mức Glucose giảm khoảng 10% và Insuline giảm hơn 12% so với người ăn 24g chất xơ mỗi ngày.
Hạn chế đồ ăn chế biến sẵn
Không thể phủ nhận sự tiện lợi của đồ ăn chế biến sẵn. Tuy nhiên, những đồ ăn này chứa lượng lớn calo và chất béo. Thường xuyên sử dụng thực phẩm chế biến sẵn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, tiểu đường.
Cần cắt giảm thực phẩm chế biến sẵn có chứa nhiều dầu thực vật, bơ, sữa, phomai để làm giảm nguy cơ mắc tiểu đường.
Người bệnh cần lưu ý một số vấn đề sau:
– Hamburger chứa nhiều chất béo bão hòa.
– Các món thịt chế biến sẵn chứa nhiều Natri như thịt nguội, chân giò muối… không tốt cho người tiểu đường.
– Pizza có lượng Calo cao. Nên lựa chọn bánh Pizza chay, mỏng vỏ, chứa nhiều rau, thịt nạc, không cho thêm phomai.
2. Uống nước lọc
Nước làm tăng thải trừ các chất trong cơ thể, tăng lưu lượng máu, cải thiện tuần hoàn ngoại vi. Uống nhiều nước cũng làm giảm phát sinh, phát triển các biến chứng bệnh lý do tiểu đường gây ra.
Uống nhiều nước giúp phòng bệnh tiểu đường
Uống nước nhiều và thường xuyên cũng giúp hạn chế việc sử dụng các đồ uống nhiều đường, yếu tố nguy cơ dẫn đến tiểu đường.
Nước cần thiết cho quá trình trao đổi chất của cơ thể. Người khỏe mạnh cần bổ sung khoảng 1,5 – 2,5 lít nước mỗi ngày. Nhiều người chỉ đợi đến lúc khát mới uống, như vậy là không tốt cho cơ thể. Nên thường xuyên uống nước, uống ít một và nhiều lần để bổ sung đủ nước, tránh mất cân bằng nước và điện giải.
3. Cà phê hoặc trà
Mặc dù nước lọc là lựa chọn số 1 cho cơ thể, tuy nhiên, cũng có thể sử dụng các loại nước uống khác như cà phê, trà xanh, trà hoa cúc…
– Trà xanh chứa ít Carbohydrate và calo. Ngoài ra trong trà xanh còn chứa nhiều chất chống Oxy hóa, giúp chống viêm, bảo vệ tim mạch, ngăn ngừa tiểu đường tuýp 2.
– Trà hoa cúc chứa nhiều chất chống Oxy hóa và không chứa calo. Uống trà hoa cúc thường xuyên còn có tác dụng điều hòa đường huyết, ngăn ngừa tổn thương thần kinh và hệ tuần hoàn.
Cà phê cũng giúp điều hòa đường huyết hiệu quả
– Cà phê là đồ uống có chứa chất kích thích nhưng lại giúp hạn chế hấp thu lượng đường trong máu, phòng ngừa tiểu đường tuýp 2 ở phụ nữ và người ở độ tuổi trung niên. Tuy nhiên, khi uống không nên cho đường hay sữa đặc. Nếu uống quá nhiều sẽ gây mất ngủ, rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp…
4. Tập thể dục
Tập thể dục đều đặn sẽ giúp cải thiện lượng đường trong máu, làm tăng tác dụng của Insulin, giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, điều hòa huyết áp.
Các nghiên cứu còn chứng minh rằng, tập thể dục thường xuyên cũng giúp ngăn ngừa các biến chứng của bệnh tiểu đường. Theo chương trình Diabetes Prevention của Mỹ, chế độ ăn kiêng hợp lý kết hợp tập luyện thể lực giúp ngăn ngừa đái tháo đường tuýp 2.
Nghiên cứu ở bệnh nhân tiền tiểu đường cho thấy, tập thể thao với cường độ nhẹ giúp tăng độ nhạy với Insulin lên 51%, và 85% ở người tập với cường độ mạnh.
5. Giảm cân
Tình trạng thừa cân, béo phì làm tăng nguy cơ mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa, đặc biệt là tiểu đường tuýp 2. Ở những đối tượng bị béo phì, độ nhạy của Insulin giảm, làm tăng đường huyết. Mặt khác, lượng mỡ thừa kích thích cơ thể giải phóng các hoạt chất gây viêm, làm giảm hoạt động của Insulin.
Béo phì làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường tuýp 2 tới 80 lần so với người bình thường. Tỷ lệ người béo phì cũng chiếm khoảng 80% số người mắc bệnh tiểu đường.
Giảm cân giúp tăng độ nhạy Insulin
Giảm cân giúp tăng cường hoạt động của Insulin, giảm nồng độ đường huyết, ngoài ra còn giúp thoải mái tinh thần và ngủ ngon hơn. Do vậy, cần có chế độ ăn uống, rèn luyện hợp lý, hạn chế chất béo, đường và tinh bột để giảm cân hiệu quả và ổn định đường huyết.
6. Bỏ thuốc lá
Nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 ở người hút thuốc lá cao hơn 30 – 40 % so với người không hút thuốc lá. Mặt khác, người bị tiểu đường nếu hút thuốc lá thì khả năng kiểm soát đường huyết cũng kém hơn so với người không hút thuốc lá. Cùng với đó là nguy cơ các bệnh về tim mạch, huyết áp như xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não cũng cao hơn.
Thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường
Bỏ thuốc lá không chỉ giảm nguy cơ bị tiểu đường mà còn cải thiện sức khỏe, giảm tỷ lệ mắc các bệnh nguy hiểm khác.
7. Cải thiện chất lượng giấc ngủ
Ngủ đủ giấc giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn. Giấc ngủ đầy đủ cũng giúp giảm căng thẳng, stress, giảm cảm giác thèm ăn và tăng cường hoạt động của Insulin. Người bệnh tiểu đường có thể gặp hội chứng ngưng thở khi ngủ, trạng thái này chỉ xảy ra trong thời gian ngắn nhưng làm tăng nguy cơ huyết áp cao, nhịp tim nhanh và nhiều bệnh lý về tim mạch khác.
Ngủ đủ giấc giúp phòng bệnh hiệu quả
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, ngủ đủ 7 – 8 tiếng mỗi đêm giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tiểu đường hơn so với ngủ ít hơn 7 tiếng. Cải thiện giấc ngủ là việc làm vô cùng cần thiết bởi ngủ đủ giấc sẽ giúp phòng ngừa nguy cơ tiểu đường và cải thiện tình trạng bệnh ở người bị tiểu đường.
8. Kiểm tra sức khỏe định kỳ để tầm soát tiểu đường
Đái tháo đường là căn bệnh có diễn biến âm thầm. Vậy nên, tầm soát tiểu đường là cách vô cùng hiệu quả để phát hiện sớm ngay từ khi xuất hiện những dấu hiệu đầu tiên. Những người có nguy cơ mắc bệnh cao nên thăm khám thường xuyên, mỗi năm 1-2 lần để phát hiện bệnh và điều trị càng sớm càng tốt.
Điều trị bệnh tiểu đường đòi hỏi sự nghiêm túc, kiên nhẫn thực hiện. Thời gian điều trị càng kéo dài, chi phí điều trị càng lớn. Tầm soát tiểu đường có nhiều lợi ích như:
– Tiết kiệm thời gian và chi phí điều trị.
– Phát hiện bệnh từ giai đoạn đầu giúp dễ dàng điều trị hơn.
– Theo dõi bệnh thường xuyên để có biện pháp điều trị phù hợp nhằm ngăn ngừa các biến chứng của bệnh như suy giảm thị lục, tổn thương thần kinh, nhiễm trùng da…
– Nhận được sự tư vấn của bác sĩ về chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt phù hợp với tình trạng bệnh của từng bệnh nhân.
Hiện nay tỷ lệ người mắc bệnh tiểu đường còn rất cao và có xu hướng tăng lên. Nhiều người vẫn còn thờ ơ với các dấu hiệu cảnh báo cũng như biến chứng của bệnh. Chủ động phòng ngừa bệnh tiểu đường là rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe của mỗi cá nhân.