Nhiệt miệng rất phổ biến, đặc biệt thường hay xảy ra vào thời tiết nắng nóng. Tuy không phải là một bệnh lý nguy hiểm nhưng nó lại gây ra cảm giác vô cùng khó chịu, đau rát mỗi khi ăn uống. Hãy cùng Central Pharmacy tìm hiểu về các phương pháp chữa nhiệt miệng tại nhà đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả sau đây.
I. Nguyên nhân gây nhiệt miệng
Nguyên nhân gây ra nhiệt miệng rất khó để xác định là do một tác nhân cụ thể nào, nó có thể đến từ một hoặc nhiều nguyên nhân, việc tìm và nhận biết các yếu tố gây bệnh sẽ giúp nhanh chóng cắt được nguồn căn, từ đó nhanh chóng kiểm soát được nhiệt miệng.
1. Tác dụng phụ của thuốc đang dùng
Một số thuốc có tác dụng phụ gây ra loét miệng như Aspirin và các thuốc kháng viêm NSAID khác, thuốc độc tế bào, thuốc chẹn beta và Sulphasalazine,…
2. Chế độ dinh dưỡng
Các thực phẩm ăn hàng ngày có thể khiến cơ thể bị nóng trong, đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra nhiệt miệng, đặc biệt vào mùa hè.
Một số thực phẩm nên hạn chế ăn như:
– Thức ăn cay nóng.
– Một số loại quả: Mít, vải, chôm chôm, sầu riêng, dưa hấu,…
– Thiếu hụt vitamin B12, kẽm, sắt,…
Nhiệt miệng do ăn đồ cay nóng
3. Tổn thương trong miệng
Đánh răng quá mức hoặc vô tình cắn vào má bên trong miệng.
4. Nguyên nhân khác
– Thay đổi hormon thời kỳ kinh nguyệt, hoặc do stress, áp lực.
– Vi sinh vật.
II. Mẹo trị nhiệt miệng tại nhà
Để điều trị nhiệt miệng tại nhà, trước tiên cần cắt được nguyên nhân gây bệnh, sau đó sử dụng các biện pháp để giảm đau do nhiệt miệng và rút ngắn thời gian mắc bệnh.
– Nếu bạn đang dùng một số thuốc kể trển, hãy trao đổi lại với bác sĩ hoặc dược sĩ. Khi không quá cần thiết có thể dừng thuốc để theo dõi tình trạng nhiệt miệng hoặc có thể chuyển sang một loại thuốc khác.
– Hạn chế ăn những đồ ăn cay nóng, các loại hoa quả gây nóng trong.
1. Mẹo chữa nhiệt miệng với nước muối
Nước muối có tác dụng sát khuẩn và rất an toàn, làm giảm sự phát triển của vi khuẩn, rút ngắn thời gian hồi phục thương tổn. Lúc đầu sẽ thấy hơi xót nhưng sau đó sẽ dễ chịu hơn.
– Nước muối pha loãng theo công thức khoảng 5g muối tinh hòa tan hoàn toàn trong 230ml nước.
– Súc miệng thường xuyên 2-3 lần/ngày mỗi lần khoảng 15-30 giây.
– Khi súc miệng, nên để nước muối xuống sâu cổ họng nhưng không được nuốt, như vậy sẽ giúp làm sạch toàn bộ khoang miệng.
2. Sử dụng mật ong
Mật ong có tác dụng kháng khuẩn kháng viêm và giúp cho vết loét do nhiệt miệng không sưng đỏ, đau rát.
– Bôi trực tiếp mật ong lên vết loét, tùy vào mức độ nặng của vết loét, có thể bôi 4 lần/ngày hoặc nhiều hơn.
– Có thể hòa tan mật ong vào nước để uống hàng ngày. Uống nhấp môi từng chút một để dung dịch thấm được vào vết thương.
– Mật ong có thể trộn với bột nghệ và bôi trực tiếp lên vết thương 2-3 lần/ngày sẽ mang lại hiệu quả rất tốt.
3. Sữa chua chữa nhiệt miệng cực hiệu quả
Nguyên nhân gây ra nhiệt miệng có thể do vi khuẩn HP hoặc bệnh viêm ruột gây ra. Theo các nghiên cứu, sữa chua có chứa lợi khuẩn được lên men từ vi sinh sống lactobacillus sẽ đẩy lùi được các vi khuẩn gây bệnh như HP.
Sữa chua nên ăn hàng ngày sau mỗi bữa ăn, không những có tác dụng chữa nhiệt miệng còn giúp cho hệ tiêu hóa luôn khỏe mạnh.
4. Mẹo chữa nhiệt miệng với bã chè khô
Trong bã chè khô có chứa Tanin giúp giảm nhiệt miệng nhanh chóng.
Lấy bã chè hoặc túi lọc chè đắp trực tiếp lên vết loét sẽ giúp giảm sưng tấy và chống viêm hiệu quả.
5. Dùng Baking soda chữa nhiệt miệng
Baking soda: Có công thức hóa học là NaHCO3, thường được dùn trong ngành thực phẩm và là thuốc chữa bệnh dạ dày, ngoài ra Baking soda còn có thể sử dụng để chữa nhiệt miệng.
Cách làm:
– 1 thìa cà phê Baking soda.
– 1 thìa cà phê muối tinh.
– 100ml nước lọc, sau đó hòa tan hoàn toàn. Sử dụng bông tăm chấm dung dịch mới pha trực tiếp vào vết loét sẽ giúp giảm đau hiệu quả.
Hoặc có thể pha loãng làm nước súc miệng hàng ngày 4-6 lần. Chú ý không nên lạm dụng nhiều vì Baking soda có thể gây đau rát nướu và răng.
6. Mẹo chữa nhiệt miệng với râu ngô và rau má
Râu ngô, rau má: Là thảo dược quen thuộc và được sử dụng lâu đời giúp thanh nhiệt giải độc, tiêu viêm.
Rau má: Có chứa vitamin C, vitamin B1 có thể ăn trực tiếp, hoặc xay nhỏ, lọc lấy nước rồi cho một ít đường phèn để dễ uống hơn.
Râu ngô: Có nhiều thành phần tốt cho cơ thể như Kali, lipid, Vitamin C, Vitamin K,…Râu ngô sau khi thu hái thì phơi khô làm sạch, nấu nước uống hàng ngày hoặc có thể phối hợp với một số dược liệu khác. Râu ngô có vị khá dễ uống, giúp thanh nhiệt cơ thể, giảm nhanh nhiệt miệng.
Chữa nhiệt miệng bằng rau má
7. Mẹo chữa nhiệt miệng với rau ngót
Lá rau ngót: Trong rau ngót có hàm lượng vitamin C và chất kháng khuẩn cao, giúp giảm đau và nhanh lành vết loét ở niêm mạc miệng.Biện pháp làm dịu cảm giác đau do nhiệt miệng.
Rau ngót có thể nấu canh ăn hằng ngày hoặc giã, lọc lấy nước uống.
8. Mẹo chữa nhiệt miệng với khế chua
Khế chua có tính acid nhẹ, có khả năng sát khuẩn giúp loại bỏ các mầm bệnh gây viêm nhiễm tại miệng trong đó có nhiệt miệng.
Cách làm:
– Chuẩn bị 2-3 quả khế chua rửa sạch, cắt lát vừa đủ để ngậm trong miệng.
– Cho vào nồi đun sôi với lượng nước vừa đủ.
– Mỗi ngày ngậm với một miếng khế.
– Sử dụng đều đặn thường xuyên, chỉ sau một thời gian ngắn sẽ giúp vết loét miệng nhanh lành và cũng giảm mức độ đau rát của vết loét.
9. Mẹo chữa nhiệt miệng ngay lập tức
Biện pháp này có tác dụng ngay lập tức nhưng ngắn và cũng không rút ngắn được thời gian điều trị vết loét. Chỉ sử dụng khi cơn đau đến mức không chịu được như vô tình trong quá trình ăn uống để các thực phẩm chứa chất cay hoặc mặn dây vào vết loét.
Các thuốc này có thể mua tại các nhà thuốc, quầy thuốc, nên dự phòng chúng có sẵn trong tủ thuốc của gia đình..
Thuốc gây tê tại chỗ: Lidocain hoặc Benzocaine có thể dùng tăm bông chấm vào vết loét để giảm đau ngay lập tức.
Chữa nhiệt miệng ngay lập tức với thuốc gây tê
Các mẹo chữa nhiệt miệng sẽ giúp giảm mức độ cũng như thời gian điều trị bệnh. Ngoài ra cũng cần chú ý việc chải răng trong quá trình chăm sóc răng miệng, nên lựa chọn bàn chải có lông chải mềm và không nên chải răng quá nhiều lần trong ngày để tránh gây tổn thương cho khoang miệng.
III. Dấu hiệu cảnh báo của nhiệt miệng nên đi khám
1. Nhiệt miệng thông thường
Thường có từ 1-5 vết loét có dạng hình tròn hoặc oval với tâm màu trắng hoặc vàng và viền ngoài đỏ sưng viêm. Thường là ở cạnh lưỡi, bên trong môi và má.
Đặc điểm của nhiệt miệng
Nhiệt miệng thông thường kéo dài từ 5-14 ngày với những vết loét nhỏ (chiếm đến 80% bệnh nhân) và không quá đau, với những vết loét lớn hơn (10-12% bệnh nhân) có thể cần 10-30 ngày mới điều trị khỏi.
Nhiệt miệng thường có cảm giác đau rát nhẹ và gây khó khăn trong việc ăn uống, nên có thể làm người bệnh không muốn ăn, mất cảm giác ngon từ đó ăn ít đi dẫn đến sụt cân.
Với nhiệt miệng thông thường thì có thể tự điều trị tại nhà, kết hợp các biện pháp giảm đau tại chỗ, giữ vệ sinh thì bệnh sẽ nhanh khỏi.
2. Ung thư miệng
Bất kỳ vết loét nào kéo dài hơn 3 tuần cần lập tức đến gặp nha sĩ hoặc bác sĩ để được kiểm tra cẩn thận hơn, bởi vì một vết loét kéo dài như vậy tiềm ẩn nguy cơ ung thư biểu mô.
3. Bệnh Celiac
Sẽ không chỉ là nhiệt miệng thông thường nếu bệnh nhân có kèm theo tiêu chảy dai dẳng hoặc tái phát đều là những hiệu nghi ngờ của rối loạn viêm ruột hoặc bệnh Celiac. Bệnh nhân cần đến gặp bác sĩ để được kiểm tra.
4. Hội chứng Behcet
Ngoài vết loét tại miệng còn xuất hiện các vết loét khác, thông thường ở âm hộ, âm đạo, mắt.
Nhiệt miệng thực sự là nỗi ám ảnh với bất kỳ ai mắc phải. Khi mà cảm giác khó chịu, đau rát vẫn luôn hiện hữu, đặc biệt là khi ăn uống. Chỉ một vô ý như đưa lưỡi chạm vào, hoặc ăn một đồ ăn có vị mặn hay chua cũng đủ khiến người bệnh đau đớn đến mức nào. Vì thế việc làm giảm đau dù chỉ một chút cũng vô cùng đáng xem xét, người bệnh nên tìm hiểu rõ nguyên nhân gây nhiệt miệng của mình và có những biện pháp phù hợp.